---o0o---
Chú thích
- S: nguyên tác tiếng Sanskrit của mục từ dạng La-tinh hóa
- P: nguyên tác tiếng Pàli của mục từ dạng La-tinh hóa
- A: tiếng Anh
- H: tiếng Hán
- Ph: tiếng Pháp
- T: tên mục từ bằng tiếng Tây Tạng dạng La-tinh hóa.
- Hâ: các hình thức phiên âm tiếng Việt khác nhau của một mục từ.
- Hd: các hình thức dịch nghĩa khác nhau của một mục từ.
- Td: tân dịch.
- Cd: cựu dịch.
- Đl: đối lại
- x: xem
- Đn: đồng nghĩa.
- Vd: ví dụ
- Gđ: cách gọi đầy đủ của một mục từ.
- Gt: cách gọi giản lược hay vắn tắt của một mục từ.
- Cg: hình thức đồng nghĩa hay tên gọi khác của một mục từ.
- Tên khoa học: tên gọi theo khoa học của một mục từ.
- k. ng.: khẩu ngữ
- X.: xem.
- CĐTĐL: Cảnh Đức Truyền Đăng lục
- CTTNL: Cổ tôn túc ngữ lục
- ĐQMT: Đại quang minh tạng
- DTNL: Duy Tắc ngữ lục
- GTPĐL: Gia Thái Phổ Đăng lục
- HĐNL: Hư Đường ngữ lục
- HSLNMDT: Hám Sơn Lão Nhân Mộng Du tập
- KTTQTĐL: Kiến trung tịnh quốc tục đăng lục
- LĐHY: Liên Đăng Hội Yếu
- LSPGĐT: Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong
- MANL: Mật Am ngữ lục
- MBTL: Minh Bản Tạp lục
- MGNL: Minh Giác ngữ lục
- NĐHN: Ngũ Đăng Hội Nguyên
- NGCTT: Ngũ Gia Chính Tông Tán
- NHQL: Nguyên Hiền quảng lục
- NLNL: Nguyên Lai ngữ lục
- NTNL: Như Tịnh ngữ lục
- PDNL: Pháp Diễn ngữ lục
- PDNL: Phần Dương ngữ lục
- PKNL: Phạm Kỳ ngữ lục
- PQĐTĐ: Phật Quang Đại Từ Điển
- TBCTT: Tăng Bảo Chính Tục truyện
- TLTBT: Thiền Lâm Tăng Bảo truyện.
- ThQST: Thiền Quan Sách Tiến
- TĐT: Tổ Đường tập
- TCTT: Tống Cao Tăng truyện
- TTĐL: Tục Truyền Đăng lục
- ThMMBTSTL: Thiên Mục Minh Bản Thiền sư tạp lục
- VHVNTH 1989-1995: Văn hóa Việt Nam Tổng Hợp 1989-1995

---o0o---
Danh Từ Phật Học: Bát Chánh Đạo - Bát Thánh Đạo
----------------------------- Pháp Số Căn Bản - Cs Hạnh Cơ -----------------------------
● Tám Nguyên Tắc Hành Động Chân Chính. Tám nguyên tắc hành động chân chính là một trong những đạo lí căn bản nhất của đạo Phật. Về mặt nhân bản, đó là nền đạo đức học thực nghiệm của Phật giáo dùng để rèn luyện con người có được một nhân cách đẹp đẽ, cao thượng, trọn vẹn; về mặt tôn giáo thì đó là những con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau, đạt được an lạc, giải thoát khỏi ba cõi, giác ngộ viên mãn, và chứng nhập Niết Bàn. Tám nguyên tắc này thuộc về sự thật thứ tư (Đạo Đế) của giáo lí nền tảng “Bốn Sự Thật” (đã được trình bày ở trước). Giáo lí Bát Chánh Đạo này quan trọng đến nỗi, nó đã được Phật dạy ngay trong bài pháp đầu tiên (tại vườn Lộc Uyển, cho năm vị sa môn nhóm Kiều Trần Như) sau ngày thành đạo, rồi dạy đi dạy lại trong suốt 45 năm hóa đạo, và trong những giờ phút cuối đời trước khi nhập diệt (tại rừng Câu Thi na), Ngài vẫn còn dạy lần chót cho vị đệ tử xuất gia sau cùng là Tu Bạt Đà La.
1. Thấy biết chân chính (Chánh Kiến). Thấy biết chân chính là thấy biết vạn pháp (trong đó gồm cả bản thân mình) đúng với tự tính chân thật của chúng. Một cách cụ thể, khi ta nhìn cuộc sống đúng theo cái nhìn của đạo lí “Bốn Sự Thật” (Tứ Đế), đó là ta có “chánh kiến”; khi ta nhìn vạn sự vạn vật và ta thấy rõ những tính cách vô thường, vô ngã, duyên sinh của chúng, đó là “Chánh Kiến”. Vậy, Chánh Kiến là thấy biết đúng với Sự THậT, nghĩa là cái thấy không còn bị che phủ bởi vô minh, thành kiến, cố chấp, dục vọng; hay cũng có thể nói, Chánh Kiến chính là tuệ giác của bậc giác ngộ.
2. Suy nghĩ chân chính (Chánh Tư Duy). Suy nghĩ chân chính là sự suy nghĩ đặt trên căn bản của sự thật, suy nghĩ đúng với bản tính chân thật của vạn pháp. Ta vận dụng tâm trí để suy nghiệm về vạn pháp đúng với bản chất vô thường, vô ngã, duyên sinh của chúng, đó là “Chánh Tư Duy”. Sự suy tư chân chính sẽ đem lại cho ta những tư tưởng chân chính. Nếu những tư tưởng xấu xa, sai lầm đã làm cho ta trở nên con người thấp hèn, thô lỗ, thì ngược lại, những tư tưởng chân chính, đúng đắn sẽ nâng cao phẩm cách của ta trở thành người trong sạch, cao thượng. Người có tư duy chân chính sẽ thấy rằng vô minh là đầu mối của mọi lỗi lầm và gây ra muôn vàn đau khổ, do đó, họ diệt trừ được tâm tham dục, luyến ái, ích kỉ, sân hận, oán thù, hung bạo, ganh ghét, và thay vào đó, họ sẽ phát triển những tư tưởng vị tha, Thiện chí, ôn hòa, thương yêu, giúp đỡ...
3. Nói năng chân chính (Chánh Ngữ). Nói năng chân chính là nói năng đúng với sự thật. Không nói dối chỉ là một khía cạnh của “Chánh Ngữ”, chứ chưa phải là “Chánh Ngữ”. Nhiều khi chúng ta không nói dối nhưng vẫn sai với sự thật: chúng ta thấy biết làm sao thì nói làm vậy, nhưng vì cái thấy biết ấy đã bị sai lạc, lầm lẫn, cho nên chúng ta đã nói không đúng với sự thật. Vậy, lời nói chân chính là lời nói không dối trá, không độc ác, không đâm thọc, không thêu dệt và siểm nịnh. Đó là những lời nói không xuất phát từ lòng tham dục, ích kỉ, hận thù, giận dữ, ngu dốt, ganh tị. Nói năng chân chính là không nói những lời nhằm lừa gạt, nịnh hót, phỉ báng, chửi mắng, sỉ nhục, vu oan, chia rẽ, nghĩa là tất cả những lời nói với dã tâm hại người. Lời nói chân chính là những lời nói từ ái, hòa nhã, dịu dàng, đoàn kết, xây dựng, đem lại an vui, lợi ích và tin tưởng cho mọi người. Chánh ngữ còn là những lời nói thận trọng, khéo léo nhằm hướng dẫn người đi vào nẻo Thiện, giúp cho người khai mở trí tuệ, có được cái thấy sáng suốt, cái nhìn chính xác, nếp suy tưởng đúng đắn, phù hợp với thực tại. Vì vậy, nếu giảng pháp mà làm cho người ta hiểu sai Phật Pháp, cố chấp lí thuyết, hoặc càng nghe càng thấy tối tăm, nghi ngờ, thì đó là Tà Ngữ, không phải là Chánh Ngữ.
4. Hành động chân chính (Chánh Nghiệp). Có ba loại hành động (tam nghiệp): hành động của ý (Ý Nghiệp), hành động của miệng (Khẩu Nghiệp), và hành động của thân (thân nghiệp). Trong pháp số “Bát Chánh Đạo” này, yếu tố Chánh Nghiệp ở đây chỉ nhằm nói đến thân nghiệp mà thôi, còn Ý Nghiệp và Khẩu Nghiệp thì đã được bao hàm trong các yếu tố khác. Tất cả mọi hành động hằng ngày của thân thể đều là Thân Nghiệp – ngay cả sự ăn uống, tuy là hành động của miệng, nhưng vẫn thuộc Thân Nghiệp, còn Khẩu Nghiệp chỉ là sự nói năng mà thôi; vì vậy, Khẩu Nghiệp cũng được gọi là “ngữ nghiệp”. Hành động chân chính là những hành động không phát xuất từ tham lam, vị kỉ, sân hận, oán thù, ngu si, ganh tị..., bởi vậy, chúng không gây ra đau khổ cho người khác, không phá hoại hạnh phúc của mọi người, không tàn hại người, vật và thiên nhiên. Hành động chân chính là những hành động được soi sáng bởi Chánh Kiến, Chánh Tư Duy..., được thúc đẩy bởi tình thương, sự hiểu biết, lòng cởi mở, tính vị tha, và chắc chắn sẽ đem lại an vui, hạnh phúc, thanh bình cho xã hội, đem lại tươi mát cho mọi loài và thiên nhiên. Đi đứng nằm ngồi theo chánh pháp, ăn uống ngủ nghỉ theo chánh pháp, làm việc theo chánh pháp, tu học theo chánh pháp..., đều là những hành động chân chính.
5. Mưu sinh chân chính (Chánh Mạng). Mọi người đều phải làm việc để nuôi sống cho chính mình và cho thân nhân mình, đó là điều hiển nhiên. Nhưng trong những công việc mưu sinh cũng có những việc tốt và những việc xấu. Người tu học không nên chọn những công việc có thể gây khổ đau cho người khác, làm tăng thêm sự bất công xã hội, hoặc tàn hại thiên nhiên và tiêu diệt sự sống của mọi loài. Người tu học khi có Ý Thức mưu sinh chân chính thì sẽ tìm những nghề nghiệp lương Thiện, trong sạch, tâm niệm không gian tham, không lươn lẹo, không lường gạt, không bóc lột sức người, không lạm dụng sức vật, không làm giàu trên mồ hôi nước mắt người khác. Những công việc như chế tạo và buôn bán các loại vũ khí, các loại hóa chất, độc dược để tàn phá đời sống con người, loài vật và thiên nhiên; môi giới hoặc buôn bán người (con gái, trẻ em) cho những tổ chức bất lương, vô nhân đạo; nuôi và buôn bán súc vật cho người ta ăn thịt; săn thú hoặc lưới cá bán cho người tiêu thụ; làm thịt súc vật trong lò sát sinh; chế tạo và buôn bán rượu cùng các chất ma túy v. v..., đều là những phương tiện mưu sinh bất chính, có tính chất phá hoại và gây đau khổ, người tu học nên tránh xa.
6. Siêng năng chân chính (Chánh Tinh Tấn). “Siêng năng” ở đây không phải là dồn hết mọi nỗ lực để làm một công việc gì đó cho xong, rồi thôi; nhưng đó là sự cố gắng liên tục, bền bỉ, dẻo dai trong sự tu tập cho đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng là đạo quả giải thoát. Nói rõ hơn, “chánh tinh tấn” là sự siêng năng liên tục trong việc kiểm soát thân miệng ý, làm cho tiêu trừ mọi tật xấu và phát triển các hạnh lành. Có thể nói, “siêng năng chân chính” ở đây không có gì khác hơn là “bốn sự cần mẫn” (tứ Chánh Cần) đã trình bày ở trước. Nếu sự siêng năng của mình là để nhằm phục vụ cho những ý đồ đen tối, làm tăng trưởng dục vọng, gây đau khổ cho mọi người, thì đó là “Tà Tinh Tấn”; người tu học không nên “tinh tấn” theo cách đó.
7. Nhớ nghĩ chân chính (Chánh Niệm). Khi ta nhớ đến điều gì tức là ta đem điều ấy đặt trên ý thức ta ở giây phút hiện tại. Vậy “niệm” hay “quán niệm” là sống với giờ phút hiện tại. Khi mình đang làm việc gì thì mình để hết tâm ý lên trên việc đó, khi nghe điều gì thì để hết tâm ý vào điều đang nghe, đang nói chuyện gì thì để hết tâm ý vào chuyện đang nói, đang suy nghĩ vấn đề gì thì để hết tâm ý vào vấn đề đang suy nghĩ, đó là sống có Chánh Niệm. Một cách cụ thể, nếu thực tập pháp môn “bốn lĩnh vực quán niệm” như đã đề cập ở trước, tức là thực tập Chánh Niệm. Có chánh niệm thì cũng có Thất Niệm. Khi ta nói mà không biết đang nói gì, khi làm mà không biết đang làm gì, khi suy nghĩ mà không biết đang suy nghĩ gì, tức là ta không sống trong chánh niệm mà là đang sống trong lãng quên, trong Thất Niệm; mà lãng quên, Thất Niệm cũng đồng nghĩa với mê muội, vô minh, vô Ý Thức. Người tu học nên cố gắng, đừng để cho nếp sống Thất Niệm ấy xâm chiếm đời sống của mình. Mặt khác, Chánh Niệm cũng có nghĩa là những điều nhớ nghĩ chính đáng, và trái lại thì gọi là Tà Niệm. Nếu những điều ta nhớ nghĩ đến mà làm cho thân tâm ta an lạc, khuyến khích và giúp đỡ ta tiến bộ trên đường tu tập đạo giải thoát, thì đó là những nhớ nghĩ chính đáng (Chánh Niệm); ngược lại, những điều hễ nhớ nghĩ đến là ta thấy bất an, buồn phiền, oán hận, chán nản, hoặc ham muốn, thèm khát, say mê điên cuồng, mê muội tâm trí..., thì đó là những nhớ nghĩ bất chánh, tội lỗi (Tà Niệm). Nếu ta nghĩ rằng có Đức Phật A Di Đà luôn luôn sẵn sàng đợi ta nhớ nghĩ đến Ngài là Ngài tiếp dẫn ta về sống ở thế giới Cực Lạc hoàn toàn an vui, sung sướng, muốn ăn tức khắc có món cao lương mĩ vị, muốn mặc tức khắc có áo quần sang trọng, trang sức lộng lẫy, khỏi phải lo toan gì..., rồi ta không thèm tu tập, không bỏ ác làm lành gì cả, cứ ngồi “niệm Phật” để chờ vãng sanh, thì đó cũng là Tà Niệm.
8. Thiền định chân chính (Chánh Định). Hành “thiền” để đạt được tâm “định” thì gọi là “thiền định”. “Định” là giữ tâm ý an trụ vào một điểm hay một đề mục Quán Chiếu, và “thiền” chính là phương pháp thực tập để giữ cho tâm ý được an trụ. Khi tâm ý đã được tập trung thì trí tuệ phát sinh. Do trí tuệ đó mà hành giả thấy rõ được chân tướng của thực tại vạn hữu (Chánh Kiến), và giải thoát được những sợi dây ràng buộc của vô minh, của thành kiến cố chấp, của tham dục ích kỉ, của ngã chấp và pháp chấp. Đó là Chánh Định. Sở dĩ “chánh định” đã được kể là một yếu tố quan trọng trong “Bát Chánh Đạo” là vì thời Phật tại thế đã có rất nhiều thứ Tà Định của ngoại đạo. Ngoại đạo tu tập những loại định này cốt để trốn tránh đời sống khổ đau. Có những vị như A La Lam hay Uất Đầu Lam Phất chẳng hạn, có Định Lực lớn, chứng đắc các cõi thiền rất cao, nhưng cũng chỉ là để trốn tránh cái thực tế khổ đau của kiếp người. Chính Đức Phật trước khi thành đạo cũng đã từng theo học với quí vị ấy về những loại định này, và cũng đã chứng đắc như họ, nhưng Ngài thấy điều đó vẫn là vô ích, chưa phải là mục đích tìm cầu của Ngài. Mục đích của Ngài là giải thoát khổ đau, giải thoát sinh tử. Giải thoát khổ đau và trốn tránh khổ đau là hai hành động hoàn toàn khác nhau. Bởi vậy, Tà Định là để trốn tránh, còn Chánh Định mới là giải thoát.
Tám yếu tố trên đây, nếu phân tích theo “Ba Môn Học Giải Thoát” (Tam Vô Lậu Học), thì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng thuộc về Giới; Chánh Tinh Tấn, chánh niệm và Chánh Định thuộc về Định; Chánh Tư Duy và Chánh Kiến thuộc về Tuệ. Nếu phân tích theo “Ba Nghiệp” thì Chánh Nghiệp và chánh mạng thuộc về Thân Nghiệp; chánh ngữ thuộc về Khẩu Nghiệp; chánh kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn, chánh niệm và Chánh Định thuộc về Ý Nghiệp. Bất cứ một trong tám yếu tố nào trên đây cũng bao gồm hai phần Nhân và Quả của chính nó – nghĩa là, tự thân nó làm nhân cho nó, và cũng tự thân nó là quả của nó. Muốn đạt được Chánh Kiến (quả) thì ta phải thực tập Chánh Kiến (nhân); hay nói cách khác, nếu ta tu tập Chánh Kiến (nhân) thì nhất định ta sẽ có được Chánh Kiến (quả). Cả bảy yếu tố kia cũng vậy. Lại nữa, trong tám yếu tố trên, bất cứ một yếu tố nào cũng có thể là Nhân, và cũng đồng thời là Quả của bảy yếu tố kia. Do ta có Chánh Kiến cho nên ta sẽ đạt được Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Định v. v... ; hay có thể nói ngược lại, sở dĩ ta có Chánh Kiến là vì ta đã đạt được chánh tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, chánh định v. v... Bởi vậy, có thể nói, bất cứ một yếu tố nào trên đây cũng bao gồm cả bảy yếu tố kia của Bát Chánh Đạo. Tất cả tám yếu tố đó đều tương quan tương liên và trợ giúp, nâng đỡ lẫn nhau để đưa hành giả đến thành quả giác ngộ.
Đối lại với 8 nguyên tắc hành động chân chánh (Bát Chánh Đạo) ở trên, là 8 Hành Động Bất Chánh (Bát Tà Hạnh), gồm có:
1. Thấy biết bất chánh (Tà Kiến): Thấy biết sai lầm, không đúng với sự thật, không tin nhân quả nghiệp báo, không thấy được sự thực khổ đau của thế gian, không biết có sự thực an lạc giải thoát, v. v...
2. Suy nghĩ bất chánh (Tà Tư Duy): Không suy nghĩ những điều chính đáng, đúng với đạo lí, chỉ suy nghĩ đến tham dục, những mưu mô hại người, những điều lừa dối người, những cách thức cướp đoạt tài sản của người, v. v...
3. Nói năng bất chánh (Tà Ngữ): Không nói những lời chính đáng, thật thà, hòa nhã, chỉ nói những lời dối trá, thêu dệt, dua nịnh, đâm thọc gây chia rẽ, mắng chửi, trù ẻo, v. v...
4. Hành động bất chánh (Tà Nghiệp): Những hành động xấu ác như giết hại, trộm cướp, tà dâm, v. v...
5. Sinh sống bất chánh (Tà Mạng): Sinh sống bằng những nghề không chính đáng, độc ác, có hại cho người, động vật và thiên nhiên.
6. Tinh tấn bất chánh (Tà Tinh Tấn): Siêng năng, hăm hở làm các việc ác nhằm hại người, hại các loài vật và cả thiên nhiên.
7. Niệm tưởng bất chánh (Tà Niệm): Nhớ nghĩ những điều vô ích, những đối tượng có thể khơi dậy tâm tham dục, sân hận, đau buồn, v. v...
8. Thiền định bất chánh (Tà Định): Những loại thiền định bất chánh, không đưa người tu tập giải thoát ba cõi, nhưng đi vào các thế giới ma quái, quỉ mị.

Bát Phước Điền
● Tám Ruộng Phước. Có 8 hạng người mà nếu chúng ta biết kính trọng, cúng dường, phụng sự, thì đó là những thửa ruộng tốt để chúng ta gieo trồng phước đức, gọi là “phước điền”.
1. Phật (Phật Điền). Phật là bậc giác ngộ cao tột, giải thoát cùng cực, phước trí đầy đủ vẹn toàn, trên hết, cả thế và xuất thế gian không ai có thể so sánh được. Bất cứ ai thành tâm qui y, cung kính cúng dường, thì tất cả tội chướng đều tiêu trừ, và được phước đức vô lượng. Vì vậy, Phật là một trong 8 loại ruộng phước.
2. Thánh nhân (Thánh Nhân Điền). Chư vị Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, chính là chư vị thánh nhân. Chư vị ấy đã chứng ngộ thánh đạo, đã giải thoát ra khỏi ba cõi, đầy đủ vô lượng phước đức trí tuệ. Bất cứ ai thành tâm qui y, cung kính cúng dường thì được phước đức vô lượng. Vì vậy, thánh nhân là một trong 8 loại ruộng phước.
3. Tăng già (Tăng Điền). Tăng già là đệ tử của Phật. Đó là một đại chúng hòa hợp, giới hạnh thanh tịnh, cùng nhau tu tập trong tinh thần kính thuận, không tranh cãi. Chính quí ngài là sứ giả của Đức Phật, có trách nhiệm hoằng dương Phật Pháp, giáo hóa độ sinh, làm cho Phật Pháp tồn tại ở thế gian. Bất cứ ai thành tâm qui y, cung kính cúng dường, đều có được vô lượng phước đức. Vì vậy, tăng già là một trong 8 loại ruộng phước.
4. Hòa thượng (Hòa Thượng Điền). Hòa thượng là bậc cao tăng đầy đủ đức hạnh, đầy đủ khả năng truyền trao giới pháp cho bất cứ ai Phát Tâm tu hành theo giáo pháp của Phật; là vị giáo thọ tối cao mà bất cứ ai có duyên lành lãnh thọ sự dạy dỗ của ngài thì được sinh trưởng pháp thân. Ân đức ấy rất sâu nặng, người tu học thành tâm cung kính cúng dường thì được phước đức lớn; cho nên hòa thượng là một trong 8 loại ruộng phước.
5. A xà lê (A Xà Lê Điền). A xà lê là bậc cao tăng phụ tá cho vị hòa thượng trong việc dạy dỗ và trao truyền giới pháp cho người Phát Tâm tu học; nhờ giới pháp này mà người tu học được sinh định và phát tuệ. Ân đức ấy cũng rất sâu nặng, người tu học thành tâm cung kính cúng dường thì được phước đức lớn lao; cho nên a xà lê là một trong 8 loại ruộng phước.
6. Cha (Phụ Điền). Cha là khởi thỉ của hình hài ta, có công đức sinh thành. Từ tấm bé cho đến trưởng thành, ta đều do cha dạy dỗ nuôi nấng, Ân Đức ấy vô cùng sâu nặng; làm con lẽ đương nhiên là phải hết lòng hiếu dưỡng, đâu dám khởi niệm cầu phước! Tuy nhiên, nếu ta cứ chí thành phụng kính hiếu dưỡng thì tự nhiên được phước đức lớn lao; cho nên cha là một trong 8 loại ruộng phước.
7. Mẹ (Mẫu Điền). Mẹ là người cưu mang bảo bọc từ lúc thai nhi mới tượng hình hài, rồi sinh đẻ, rồi phải dồn hết tâm lực, lo toan biết bao nhiêu công việc để nuôi nấng, săn sóc một đứa con từ tuổi bé thơ cho đến ngày trưởng thành, thật vô cùng lao nhọc; Ân Đức ấy cao lớn vòi vọi, làm con lẽ đương nhiên là phải hết lòng phụng kính hiếu dưỡng, đâu dám khởi niệm cầu phước! Tuy nhiên, nếu ta cứ chí thành phụng kính hiếu dưỡng thì tự nhiên được phước đức lớn lao; cho nên mẹ là một trong 8 loại ruộng phước.
8. Người bệnh (Bệnh Điền). Thấy người bệnh liền thấy ngay sự đau khổ của họ, nếu ta khởi tâm từ bi, giúp đỡ thuốc thang chữa trị cho họ, lấy lời khéo léo an ủi họ, làm cho người bệnh thân thì hềt đau đớn, tâm thì an vui, thì được phước đức lớn; cho nên người bệnh là một trong 8 loại ruộng phước.
Mặt khác, tám việc làm với tâm ý Thiện lành sau đây cũng được coi là “8 loại ruộng phước”:
1. Đào giếng ở những con đường hẻo lánh ở xa thành phố xóm làng (Khoáng Lộ Nghĩa Tỉnh), giúp cho người qua lại có nước uống đỡ khát. Đó là ruộng phước.
2. Bắc cầu (Kiến Tạo Kiều Lương) qua mương, rạch, xây cầu ở bến nước bờ sông, v. v... để giúp người qua lại thuận tiện, đỡ bị tai nạn rơi xuống nước. Đó là ruộng phước.
3. San bằng những nơi hiểm trở (Bình Trị Hiểm Ải), mở rộng những chỗ chật hẹp, để tránh nguy hiểm cho người qua lại. Đó là ruộng phước.
4. Kính phụng hiếu dưỡng cha mẹ (Hiếu Dưỡng Phụ Mẫu) để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Đó là ruộng phước.
5. Cung kính cúng dường Tam Bảo (Cung Kính Tam Bảo), đó là ruộng phước.
6. Thương xót, cung cấp thuốc thang để chữa trị cho người bệnh, an ủi người bệnh (Cấp Sự Bệnh Nhân), làm cho họ thân tâm được an lạc; đó là ruộng phước.
7. Thương xót, cung cấp vật thực và những nhu cầu thiết yếu cho kẻ nghèo thiếu (cứu tế bần cùng), đó là ruộng phước.
8. Lập trai đàn chẩn tế (Thiết Vô Già Gội) để cứu độ cho tất cả chúng cô hồn, hoạnh tử, nhờ Phật lực mà họ thoát được các cảnh giới đau khổ, sinh về các cõi lành. Đó là ruộng phước.
“Chỗ nào ông an thân lập mạng?” như thế nào?     Gia Đình     Lá Cờ Phật Giáo Có Mấy Màu?     Cư sĩ tại gia lập bàn thờ Phật như thế nào ?     Xin hỏi suy nghĩ có thuộc về ‘khởi tâm động niệm’ hay không?     Nhứt Tâm Bất Loạn     Chiều Sâu     Lục Độ của Đại Thừa và Ngũ Giới Thập Thiện trong Tiểu Thừa có chỗ nào khác nhau?     Cơm Hoa Hồi Trái Cây     Có nên dùng quan điểm khoa học để giải thích phật pháp hay không ?     


















Pháp Ngữ
Chư pháp tùng duyên khởi,
Chư pháp tùng duyên diệt,
Ngã Phật đại sa môn,
Thường tác như thị thuyết
(Các pháp do duyên sinh,
Các pháp do duyên diệt,
Phật của ta là Sa môn,
Thường hay nói như thế)


Tháng Năm  

 



Đăng nhập


Playist


Bạn cần đăng nhập

Tu sĩ Việt Nam



Tu sĩ Quốc Tế


Album mới






Chuyên trang này được lập ra và hoạt động theo tinh thần Pháp Thí .
Tất cả các Kinh/Sách Phật Học trên trang này được sưu tầm từ các website Phật Giáo nên Ban Quản Trị có thể thiếu xót về mặt tác quyền đối với một số sách Phật Học .
Nếu quý Phật Tử / Tổ chức nào đang nắm tác quyền của các tác phẩm trên xin vui lòng Thông báo cho Ban Quản Trị biết, chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp để có thể có được bản quyền hợp lệ đối với các Sách Phật Học đó.
Ban Quản Trị trân trọng cám ơn.


Website có tất cả 78,946 pháp âm và 7,152 album thuộc tất cả các thể loại.
Có tổng cộng 138,924 lượt nghe.
Tổng số tu sĩ trong website 287, gồm cả tu sĩ trong nước và cả quốc tế.
Hiện đang có 1,332 thành viên đã đăng ký. Chào mừng thành viên mới nhất Minh Đức Phạm
Lượt truy cập 36,198,169