---o0o---
Chú thích
- S: nguyên tác tiếng Sanskrit của mục từ dạng La-tinh hóa
- P: nguyên tác tiếng Pàli của mục từ dạng La-tinh hóa
- A: tiếng Anh
- H: tiếng Hán
- Ph: tiếng Pháp
- T: tên mục từ bằng tiếng Tây Tạng dạng La-tinh hóa.
- Hâ: các hình thức phiên âm tiếng Việt khác nhau của một mục từ.
- Hd: các hình thức dịch nghĩa khác nhau của một mục từ.
- Td: tân dịch.
- Cd: cựu dịch.
- Đl: đối lại
- x: xem
- Đn: đồng nghĩa.
- Vd: ví dụ
- Gđ: cách gọi đầy đủ của một mục từ.
- Gt: cách gọi giản lược hay vắn tắt của một mục từ.
- Cg: hình thức đồng nghĩa hay tên gọi khác của một mục từ.
- Tên khoa học: tên gọi theo khoa học của một mục từ.
- k. ng.: khẩu ngữ
- X.: xem.
- CĐTĐL: Cảnh Đức Truyền Đăng lục
- CTTNL: Cổ tôn túc ngữ lục
- ĐQMT: Đại quang minh tạng
- DTNL: Duy Tắc ngữ lục
- GTPĐL: Gia Thái Phổ Đăng lục
- HĐNL: Hư Đường ngữ lục
- HSLNMDT: Hám Sơn Lão Nhân Mộng Du tập
- KTTQTĐL: Kiến trung tịnh quốc tục đăng lục
- LĐHY: Liên Đăng Hội Yếu
- LSPGĐT: Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong
- MANL: Mật Am ngữ lục
- MBTL: Minh Bản Tạp lục
- MGNL: Minh Giác ngữ lục
- NĐHN: Ngũ Đăng Hội Nguyên
- NGCTT: Ngũ Gia Chính Tông Tán
- NHQL: Nguyên Hiền quảng lục
- NLNL: Nguyên Lai ngữ lục
- NTNL: Như Tịnh ngữ lục
- PDNL: Pháp Diễn ngữ lục
- PDNL: Phần Dương ngữ lục
- PKNL: Phạm Kỳ ngữ lục
- PQĐTĐ: Phật Quang Đại Từ Điển
- TBCTT: Tăng Bảo Chính Tục truyện
- TLTBT: Thiền Lâm Tăng Bảo truyện.
- ThQST: Thiền Quan Sách Tiến
- TĐT: Tổ Đường tập
- TCTT: Tống Cao Tăng truyện
- TTĐL: Tục Truyền Đăng lục
- ThMMBTSTL: Thiên Mục Minh Bản Thiền sư tạp lục
- VHVNTH 1989-1995: Văn hóa Việt Nam Tổng Hợp 1989-1995

---o0o---
Danh Từ Phật Học: Tứ Niệm Xứ - Tứ Niệm Trú
----------------------------- Pháp Số Căn Bản - Cs Hạnh Cơ -----------------------------
● Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm. Danh từ Phật học Hán Việt gọi lĩnh vực quán niệm là “niệm xứ” hay “niệm trú”. Niệm là có Ý Thức, để tâm tới, thuật ngữ thiền học gọi là quán niệm. Xứ là chỗ, nơi, lĩnh vực, đối tượng; niệm xứ là đối tượng hay lĩnh vực quán niệm – tức là nơi mà hành giả để tâm tới, đặt Ý Thức lên đó. Trú nghĩa là ở, như trong từ ngữ “cư trú”, “an trú”; niệm trú là duy trì ý thức trên đối Tượng Quán niệm – tức là Quán Chiếu đối tượng trên ngay đối tượng đó.
Tu tập phép quán niệm này, muốn được thành công mĩ mãn, phải trải qua hai giai đoạn: giai đoạn căn bản, Quán Chiếu tướng riêng của từng lĩnh vực (Biệt Tướng Niệm Trú); và giai đoạn dung thông, cùng lúc Quán Chiếu tướng chung của cả bốn lĩnh vực (Tổng Tướng Niệm Trú).
A. Giai đoạn căn bản:
1. Quán niệm rằng thân thể là không trong sạch (Quán Thân Bất Tịnh). Hành giả hãy quán niệm rằng, thân thể là xác thịt do cha mẹ sinh ra. Tất cả những gì làm nên và chứa đựng trong thân thể (như da, thịt, máu, mủ, phân, nước tiểu v. v... ) đều dơ bẩn, hôi hám, không có thứ gì là trong sạch.
2. Quán niệm rằng mọi cảm thọ đều là đau khổ (Quán Thọ Thị Khổ). Hành giả hãy quán niệm rằng, dù cảm thọ có vui có khổ, nhưng ở thế gian không bao giờ có cái vui chân thật, còn cái khổ thì đầy dẫy. Nếu có cái vui thì cũng chỉ là tạm bợ, và chỉ là cái khổ trá hình; rốt cuộc, cái vui lại là nguyên nhân của cái khổ. Bởi vậy, tất cả mọi cảm thọ đều chỉ là đau khổ. Có chỗ cũng giải thích “thọ thị khổ” là có nhận lãnh là có đau khổ. Trước tiên là nhận lãnh cái thân này, cái tâm này; sau đó là nhận lãnh các thứ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc thang, mọi thứ vật dụng, rồi nào là sắc, thanh, hương, vị, xúc, v. v..., tất cả những gì ta thọ nhận trong đời sống đều là nguồn gốc sinh ra đau khổ.
3. Quán niệm rằng tâm ý là vô thường (Quán Tâm Vô Thường). Hành giả hãy quán niệm rằng, tâm ý luôn luôn thay đổi, từng phút từng giây, không bao giờ ngưng nghỉ. Không có một ý nghĩ, một trạng thái tâm lí nào là bền vững, chắc chắn.
4. Quán niệm rằng vạn pháp là vô ngã (Quán Pháp Vô Ngã). Hành giả hãy quán niệm rằng, vạn pháp ở thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà làm nên, không vật gì có bản tính độc lập, chân thật.
Mục đích của phương pháp quán niệm như trên là để hành giả tự cảnh giác trên đường tu tập. Khi đã thấy rõ thân thể là dơ nhớp thì hành giả sẽ nhàm chán nhục dục, sẽ diệt được những ham muốn thể xác, không để mình bị lôi cuốn bởi những quyến rũ của ái dục. Khi đã thấy rõ được tất cả mọi cảm thọ, mọi cái thọ nhận đều là đau khổ thì hành giả không còn để cho mình bị tham đắm vào những thú vui thường tục, những nghiện ngập trác táng, những nhu cầu quá độ hay vô ích chỉ nhằm thỏa mãn lòng tham. Khi đã thấy rõ tâm ý là vô thường thì hành giả có thể tùy từng trường hợp, từng hoàn cảnh mà đối trị với những vọng tưởng, những tà niệm của chính mình; hoặc có thể giữ được tâm bình thản trước những oan nghịch, những phản trắc của tình đời. Khi đã thấy rõ các pháp là vô ngã thì hành giả đã mở được con mắt tuệ cho chính mình, một niệm tham cũng không còn, tâm chấp trước cũng tiêu mất.
B. Giai đoạn dung thông:
Khi đã tu tập thành công giai đoạn quán Niệm Căn bản như trên, hành giả nên tiến sang giai đoạn kế tiếp, cao sâu hơn, viên dung hơn, đó là, khi quán niệm về một lĩnh vực, thì đồng thời cũng quán niệm để thấy rõ, trong một lĩnh vực đã có hàm chứa cả bốn lĩnh vực. Khi quán niệm về thân thể thì thấy thân thể là bất tịnh, mà đồng thời cũng là đau khổ, vô thường, vô ngã; cảm thọ, tâm ý và vạn pháp cũng vậy. Khi quán niệm Tâm ý là vô thường, thì thân thể, cảm thọ và vạn pháp cũng đều là vô thường.
Mặt khác, công phu Quán Chiếu – và Quán Chiếu càng sâu sắc – sẽ đem lại cho hành giả những cái thấy sáng tỏ hơn nhiều về thực tại; như Quán Chiếu về thân thể chẳng hạn, hành giả sẽ thấy được những sự bất tịnh của thân thể mà đồng thời cũng thấy được cả những mầu nhiệm của thân thể; đối với cảm thọ, tâm ý v. v... cũng vậy. Cuộc sống có mặt tiêu cực nhưng cũng có mặt tích cực; có khổ đau nhưng cũng có hạnh phúc; có những thọ nhận vô ích, tội lỗi, nhưng cũng có những thọ nhận hữu ích, tốt đẹp.
Đây là phương pháp quán niệm theo tinh thần Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Niệm Xứ Kinh). Phương pháp của kinh này là Quán Chiếu thân thể, cảm thọ, Tâm Thức và đối tượng của Tâm Thức (tức là “pháp”) với tinh thần không chán ghét mà cũng không ham thích, không xa lánh cũng không vồ vập, không đè nén cũng không buông trôi. Cứ quán sát mà đừng đặt sẵn một định kiến nào, đừng tỏ một thái độ nào. Hãy cứ Quán Chiếu, và quán chiếu thật sâu sắc thì tự tính của vạn pháp tự nhiên sẽ hiển bày, và hành giả sẽ đạt được những cái thấy thật là mầu nhiệm về sự sống.
1. Quán niệm thân thể nơi thân thể.
Quán niệm thân thể nơi thân thể là quán sát để có Ý Thức rõ rệt về mọi tư thế, trạng thái và hành động của chính thân thể mình. Hành giả luôn luôn có Ý Thức rõ rệt về hơi thở ra, hơi thở vào, hơi thở dài và hơi thở ngắn của mình. Hành giả biết rõ là mình đang đi, đang đứng, đang ngồi hay đang nằm. Hành giả biết rõ là mình đang ở đâu, làm gì, lúc nào. Những hành động của mình là có mục đích hay không có mục đích. Đặc biệt lúc thiền tọa, hành giả có thể Quán Chiếu để thấy rõ những yếu tố cấu tạo nên thân thể mình: yếu tố rắn chắc (thịt, xương v. v... ); yếu tố lưu nhuận (nước, máu v. v... ); yếu tố viêm nhiệt (sức nóng); và yếu tố chuyển động (hơi thở). Hành giả cũng Quán Chiếu để thấy rõ từng bộ phận và các chất chứa đựng trong thân thể mình, như da, thịt, xương, đầu, tóc, tay, chân, tim, phổi, máu, phân, nước tiểu, v. v... Hành giả cũng quán sát để thấy được quá trình sinh khởi, tồn tại và hủy diệt của từng tế bào trong cơ thể cũng như của toàn vẹn thân thể mình. Hành giả lại quán tưởng đến thân thể mình sau khi chết, máu khô thịt rữa, còn lại bộ xương trắng trong lòng đất lạnh. Hoặc giả bộ xương ấy cũng có thể nằm trơ vơ trên mặt đất, còn nguyên vẹn hay rã rời nằm rải rác đó đây, từ lúc còn rắn chắc cho đến khi hoàn toàn mục nát trộn lẫn với đất đá cỏ cây. Hành giả cũng lại quán niệm để thấy được rằng da thịt này, bộ xương này, thân thể này chính thật là ta, nhưng cũng không phải là ta. Thân thể ta là hình hài này nhưng cũng không phải chỉ giới hạn, cục bộ và đơn độc trong hình hài này, mà ở đâu đâu cũng có thân thể ta: nơi ngọn cỏ, cành cây, rừng núi, sông hồ, chim muông, tinh tú... ; ngược lại, tất cả những thứ ấy cũng hiện diện đầy đủ trong thân thể ta. – Ta chính là sự sống vĩnh cửu của vũ trụ, mà thân thể này chỉ là một phần rất nhỏ của ta.
2. Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ.
Cảm Thọ là những cảm giác phát sinh khi sáu giác quan tiếp xúc với đối tượng của chúng. Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ là thường trực nhận diện mọi cảm giác phát sinh trong ta. Một cảnh tượng đẹp làm cho ta cảm thấy thích thú; một cảnh tượng bạo ác làm cho ta sợ hãi; một âm thanh êm dịu hay chát chúa; một giọng nói ngọt ngào hay khó chịu; một mùi thơm của hoa; một vị ngọt của thức ăn; sự nóng bức hay giá lạnh của thời tiết; sự ngứa ngáy do muỗi đốt; sự đau nhức của vết thương; một ý kiến hay làm cho ta khoan khoái; một tư tưởng xấu làm cho ta hổ thẹn v. v... Tất cả những cảm thọ ấy, dù vui hay buồn, khoái lạc hay đau khổ, về vật chất hay tinh thần, khi chúng vừa phát sinh thì hành giả biết rõ là chúng vừa phát sinh; chúng đang còn đó thì biết rõ là chúng đang còn đó; khi chúng đã tiêu mất thì biết rõ là chúng đã tiêu mất; ngay cả khi không có một cảm thọ nào có mặt thì hành giả cũng biết rõ là không có một cảm thọ nào đang có mặt trong ta. Trong khi thiền tọa, hành giả có thể quán niệm để thấy rõ nỗi đau khổ, buồn phiền mà mọi người chung quanh ta đang chịu đựng. Những nỗi khổ đau ấy hoặc là về vật chất, hoặc là về tinh thần, và gây ra do bệnh tật, đói khát, bất an, tham lam, thù hận, chiến tranh, ngu muội v. v... Hành giả cũng có thể quán tưởng đến một xã hội an lạc, trong đó mọi người được sống thanh bình, vì ai cũng hiểu biết, thương yêu và hòa thuận. Hành giả cũng có thể Quán Chiếu để thấy rõ tất cả những cảm thọ như vậy ở cả trong đời sống của muôn loài: gia súc, cầm thú, cá tôm, rong rêu, hoa cỏ, núi rừng v. v...
3. Quán niệm Tâm Thức nơi Tâm Thức.
Tâm thức là tiếng dùng để chỉ chung cho các hoạt động phi sinh lí, phi vật chất, là các hiện tượng tâm lí như ý tưởng, suy nghĩ, tưởng tượng, phân biệt, hồi ức v. v... Quán niệm Tâm Thức nơi Tâm Thức là thường trực quán sát để nhận diện mọi hiện tượng tâm lí phát sinh trong ta. Khi một ý nghĩ hoặc tốt hoặc xấu vừa phát sinh, hành giả nhận biết ngay rằng nó vừa phát sinh. Khi trong tâm có ý niệm tham dục thì hành giả biết rõ rằng mình đang có ý niệm tham dục. Khi trong tâm có ý niệm sân hận, oán thù hay bực bội thì hành giả biết rõ rằng mình đang có ý niệm sân hận, oán thù hay bực bội. Khi trong tâm không có các ý niệm tham dục, sân hận, oán thù hay bực bội thì hành giả cũng biết rõ ràng như vậy. Khi lòng mình đang mê loạn, không tỉnh táo thì hành giả biết rõ rằng lòng mình đang mê loạn, không tỉnh táo. Khi tâm mình đang định tĩnh, sáng suốt, hành giả biết rõ ràng là tâm mình đang định tĩnh, sáng suốt. Khi có tâm khoan dung, từ ái, hòa thuận, hành giả biết rõ tâm mình đang như vậy. Khi có tâm kiêu mạn, nghi ngờ, ganh ghét, hổ thẹn, hối hận v. v..., hành giả đều biết rõ ràng là tâm mình đang như vậy. Khi tâm được an nhiên, thư thái, giải thoát thì hành giả có Ý Thức rõ rệt về tâm mình như vậy. Hành giả thường xuyên quán sát để thấy rõ quá trình sinh khởi, tồn tại, chuyển biến và hủy diệt của các trạng thái tâm lí ấy trong Tâm Thức mình. Khi chúng vừa phát sinh thì biết là chúng vừa phát sinh; còn đang tồn tại thì biết là còn đang tồn tại; có biến chuyển thì biết là có biến chuyển; đã tiêu mất thì biết là đã tiêu mất. Trong lúc thiền quán, hành giả có thể Quán Chiếu để thấy được tâm lí của người khác, một kẻ xấu mà ta đang để tâm thù ghét chẳng hạn. Ta có chịu khó quán sát thì mới hiểu được rõ ràng con người mà ta thù ghét, và nhờ đó mà ta có thể hóa giải mọi thù ghét một cách dễ dàng.
4. Quán niệm đối tượng của Tâm Thức nơi đối tượng của Tâm Thức.
Đối tượng của Tâm Thức, thường được gọi là “pháp”. Trong đạo Phật, “pháp” là tiếng dùng để chỉ cho mọi hiện tượng trong vũ trụ. Duy Thức Học chia mọi hiện tượng này thành 100 pháp, gồm trong năm loại là Sắc Pháp (gồm mọi hiện tượng vật và sinh lí), tâm pháp (gồm các hiện tượng tâm lí đứng về phương diện nhận thức), Tâm Sở pháp (gồm các hiện tượng tâm lí vốn là thuộc tính của nhận thức), Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp (gồm các hiện tượng không thuộc tâm, sinh hay vật lí), và vô vi pháp (gồm các hiện tượng không lệ thuộc vào nhân duyên)(1). Điều này cho ta thấy, chẳng những các hiện tượng sinh vật lí là đối tượng của Tâm Thức, mà ngay cả các hiện tượng tâm lí, các hiện tượng phi-tâm-sinh-vật-lí, và các hiện tượng đứng ngoài nhân duyên cũng đều là đối tượng của Tâm Thức. Mặt khác, Duy Thức Học nói rõ rằng: nhận thức luôn luôn là nhận thức một cái gì, như thế cũng có nghĩa là, Tâm Thức và đối tượng của Tâm Thức chỉ là một, không có đối tượng thì chủ thể (Tâm Thức) cũng không có, và ngược lại, không có chủ thể thì cũng không có đối tượng. Rốt cuộc, Tâm Thức và đối tượng của Tâm Thức (trong đó có Tâm Thức) cũng đều là Tâm Thức, và “Tâm Quán Tâm” là phương pháp mầu nhiệm để đạt tới tuệ giác. Đây không phải là điều nghiên cứu để hiểu, suy tưởng để thấy như người ta học một môn triết học, mà phải là nếp sống thường trực của người tu học. Khi tâm được định tĩnh, hành giả có thể quán niệm về nhân duyên, vô thường, vô ngã và từ bi, cho đến khi nào đạt được trình độ phá chấp, vô úy và đại bi của các vị Bồ Tát. Hành giả có thể lấy ngay bản thân mình để quán sát về hợp thể ngũ uẩn, về tính chất duyên sinh, vô thường, vô ngã v. v... của hợp thể ngũ uẩn ấy. Từ bản thân mình, hành giả Quán Chiếu hợp thể ngũ uẩn ấy trong vũ trụ, cho đến khi thấy rõ được sự tương quan và đồng nhất giữa mình và vũ trụ. Ta thấy ta trong ngòi bút, cuốn sách, cái bàn, cây xương rồng, ngọn xà lách, và ngược lại. Quán niệm để thấy rõ niềm vui của ta là của người, nỗi khổ của người là của ta. Nói tóm lại, tất cả “pháp môn” đều phải là đối tượng của tâm thức mà người tu học thường xuyên Quán Chiếu để đem Tâm Thức thể nhập vào trong đối tượng của Tâm Thức – Tâm Thức và đối tượng của Tâm Thức là một.
Bề Ngoài     ĐẠO LÝ NHÂN SINH BÊN TRONG CHIẾC CHÉN THỦNG CỦA ÔNG LÃO ĂN MÀY     Giờ Lâm Chung Của Alexander Đại Đế     Làm việc nhiều lúc không muốn cũng nghe đến nhiều tà tri tà kiến, xin hỏi phải nên xử lý thế nào?     CÂY GẪY CÁO CHẠY     Nấm Rơm Chiên Giòn     CÁNH DIỀU VƯƠN CAO     Mơ Thấy Mình Đi Chùa     Khiêm Cung Trung Hậu     Bảy Cái Lò Lửa     


















Pháp Ngữ
Mình được tự do trong nghiệp lành
Chứ không được tự do trong quả ác


Tháng Năm  

 



Đăng nhập


Playist


Bạn cần đăng nhập

Tu sĩ Việt Nam



Tu sĩ Quốc Tế


Album mới






Chuyên trang này được lập ra và hoạt động theo tinh thần Pháp Thí .
Tất cả các Kinh/Sách Phật Học trên trang này được sưu tầm từ các website Phật Giáo nên Ban Quản Trị có thể thiếu xót về mặt tác quyền đối với một số sách Phật Học .
Nếu quý Phật Tử / Tổ chức nào đang nắm tác quyền của các tác phẩm trên xin vui lòng Thông báo cho Ban Quản Trị biết, chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp để có thể có được bản quyền hợp lệ đối với các Sách Phật Học đó.
Ban Quản Trị trân trọng cám ơn.


Website có tất cả 78,946 pháp âm và 7,152 album thuộc tất cả các thể loại.
Có tổng cộng 138,925 lượt nghe.
Tổng số tu sĩ trong website 287, gồm cả tu sĩ trong nước và cả quốc tế.
Hiện đang có 1,332 thành viên đã đăng ký. Chào mừng thành viên mới nhất Minh Đức Phạm
Lượt truy cập 36,635,541